Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

“Cần điều chỉnh nhiều vấn đề để nghề luật sư phát triển“

“Đây là một bước tiến lớn về mặt pháp lý rất đáng ghi nhận khi tiếp tục củng cố, mở rộng môi trường pháp lý cho sự phát triển của luật sư và nghề luật sư ở nước ta” – Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét như vậy về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư ngay sau khi công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật này.

 

- Ông đánh giá như thế nào về những điểm được sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư là một bước tiến lớn về mặt pháp lý rất đáng ghi nhận khi tiếp tục củng cố và mở rộng môi trường pháp lý cho sự phát triển của luật sư và nghề luật sư ở nước ta. Qua đó, sẽ nâng cao được vị thế của luật sư và nghề luật sư, tạo lập niềm tin vững chắc của Nhà nước và xã hội đối với một nghề cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội, góp phần tích cực vào “bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Với trọng trách cao quý là cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, nghề luật sư “sống” được nhờ sự tôn trọng, niềm tin của khách hàng và cộng đồng xã hội. Vì thế, để nâng cao chất lượng cho đội ngũ luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã đề cập đến các điều kiện và yếu tố ảnh hưởng, tác động đến chất lượng đội ngũ luật sư theo hướng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và yêu cầu của thời cuộc đối với nghề này.

- Theo ông, trong những sửa đổi, bổ sung đó, qui định nào có ý nghĩa thiết thực nhất đối với xu thế phát triển của nghề luật sư hiện nay?

- Tôi cho rằng, các qui định điều chỉnh thời gian đào tạo, tập sự hành nghề luật sư, cơ chế hướng dẫn, hỗ trợ cho người tập sự, kiểm tra, giám sát quá trình tập sự, mở rộng quyền cho người tập sự hành nghề luật sư... là những nấc thang quan trọng cho nghề luật sư tiến lên trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với các dịch vụ pháp lý.

Có thể thấy rằng, điều chỉnh thời gian đào tạo và tập sự không chỉ là kéo dài hay rút ngắn thời gian mà thực sự là cơ sở để người được đào tạo nghề luật sư được trang bị các kiến thức, lý luận về nghề thật sự vững vàng, tạo môi trường cho người tập sự hành nghề luật sư tiếp xúc, làm quen với thực tiễn hành nghề dưới sự hướng dẫn của luật sư... trước khi tự mình giải quyết những vấn đề trong quá trình tác nghiệp dưới vai trò của một luật sư.

Ngoài ra, những quy định về trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc góp phần vào việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tập sự hành nghề luật sư cũng rất có ý nghĩa cho sự phát triển đổi ngũ và nghề luật sư.

Song quan trọng là những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã khẳng định sự tin cậy của nhà nước và cộng đồng xã hội vào một nghề đang lớn mạnh, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước như nghề luật sư.

-Vậy những sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã “trám” được những thiếu hụt giữa qui định pháp luật và thực tiễn hành nghề luật sư chưa, thưa ông?

- Tất nhiên là chưa, còn một số vấn đề cần phải được tiếp tục kiến nghị thêm như quy định cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng cho luật sư. Chúng tôi cho rằng, qui định về cấp giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng cho luật sư vẫn là rào cản về mặt hành chính đối với luật sư khi tham gia các quan hệ tố tụng.

Sự cản trở bởi các quan hệ hành chính từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận cho luật sư sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến định. Điều đó không chỉ xuất phát từ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư cần phải được tôn trọng và bảo vệ mà phải xuất phát từ quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định để từ đó sửa đổi luật cho phù hợp.

Trong thực tiễn thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều việc gây khó dễ và cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư đang tồn tại tương đối phổ biến từ việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong các vụ án hình sự, đặc biệt trong giai đoạn điều tra. Nên chúng tôi vẫn muốn tiếp tục kiến nghị lên Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bỏ qui định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa để hoạt động luật sư thật sự được tự do trong khuôn khổ pháp luật.

Hay như quyền tham gia tranh tụng của người tập sự hành nghề luật sư vẫn chưa được pháp luật luật sư thừa nhận trong khi bào chữa viên nhân dân lại được phép tranh tụng tại Tòa. Việc “tước” mất quyền này của người tập sự hành nghề luật sư là thiệt thòi rất lớn cho họ vì đó là cơ hội tốt nhất để có thể học hỏi, thu nhập, thực hành kỹ năng tranh tụng – một trong những lĩnh vực hoạt động chính của luật sư…

Bảo vệ luật sư trong quá trình hành nghề, những cơ sở để thực hiện nghiêm qui định cấm cản trở hoạt động hành nghề luật sư… cũng là những vấn đề cần được tiếp tục xem xét, luật hóa.

- Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đề cập đến như một chủ thể quan trọng trong nhiều hoạt động liên quan đến phát triển nghề luật sư. Vậy, thời gian tới Liên đoàn sẽ có những hoạt động gì để thực hiện có hiệu quả trọng trách này?

- Từ nay cho đến thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư có hiệu lực (ngày 1/7/2013), Liên đoàn có rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho việc thực hiện luật có hiệu quả.

Trước mắt là xây dựng các Đề án để sửa đổi Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho phù hợp với Luật để Liên đoàn chỉ có một Điều lệ thống nhất, tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư theo quy định của Luật sửa đổi để ể các Đoàn luật sư có thể tổ chức Đại hội nhiệm kỳ bắt đầu từ Quý III năm 2013; về tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II theo Luật sửa đổi (dự kiến vào Quý II/2014).

Riêng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Liên đoàn sẽ phải chuẩn bị để nhận chuyển giao tổ chức kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư từ Bộ Tư pháp, xây dựng các quy định bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư. Ngoài ra, Liên đoàn cũng sẽ triển khai việc tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư tới các Đoàn luật sư và các luật sư; phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư... theo Luật này.

Vẫn biết rằng, dù nỗ lực đến đâu thì một mình Liên đoàn thì không thể thực hiện tốt được những công việc này, mà cần có sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình của các luật sư, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Nên chúng tôi xác định, thực hiện tốt các qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư giao phó sẽ là nền tảng cho việc hoàn thiện chế độ tự quản, củng cố vị thế của Liên đoàn trong mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng phát triển nghề luật sư đáp ứng yêu cầu xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang(thực hiện)


Nguồn: www.phapluatvn.vn

Các bài liên quan:

dich vu lam sach hang ngay

giặt thảm văn phòng

ve sinh cong nghiep

vệ sinh công nghiệp

http://vesinhsach.net/32/211/Phu-bong-danh-bong-san-go/Phu-bong-san-go-danh-bong-san-go.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét