Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

"Chạy" chức và cái "lý" của đồng tiền

(Đất Việt) Lương cán bộ, công chức ở ta rất thấp, không đủ sống, nhưng vì sao nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để “chạy”?
Muốn “chạy” vào làm công chức của Hà Nội, cho dù chỉ là một công chức quèn, phải chung chi không dưới 100 triệu đồng/suất. Đó là khẳng định gây xôn xao dư luận của ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội tại HĐND TP.Hà Nội sáng 7/12 vừa qua.

Ông Trần Trọng Dực thẳng thắn: “Việc thi tuyển công chức của Hà Nội hiện nay không ổn một chút nào. Thời gian vừa qua một số quận, huyện tổ chức thi công chức rất tốt, nhưng cũng có một số đơn vị thi công chức là việc "chạy" để được thi, "chạy" để được đỗ… Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn "chạy" vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện.

Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội

Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận huyện là trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng cho thành phố chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.

Ông Dực còn tiết lộ thêm: “Riêng cơ quan tôi, chúng tôi đánh giá có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 35% cán bộ công chức làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm... Luôn có từ 20-30% cán bộ công chức của chúng ta đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được tình hình, nhiệm vụ của Nhà nước giao. Cơ quan, đơn vị nào cũng thấy bức xúc mà không giải quyết được vì động chạm đến lợi ích, quyền lợi. Nếu chúng ta không đánh giá đội ngũ cán bộ để đào tạo, đào tạo lại, sắp xếp cho hợp lý thì xin thưa, biên chế không bao giờ giảm được”.

Những gì mà vị chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã phát biểu không có gì mới, mà nó đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng với cương vị của mình, ông Dực rất đáng khen, bởi không phải ai cũng dám nói những điều mà “ai cũng biết nhưng giả vờ không biết”. Hơn nữa, việc “chạy” chức, “chạy” quyền, chạy biên chế… đâu chỉ diễn ra ở Hà Nội. Vả với cái giá 100 triệu đồng như thông tin mà ông Dực đưa ra, e rằng nó vẫn chưa “sát giá thị trường”!

Khi mà việc “chạy” đã được “xã hội hóa”, đến cho trẻ vào mầm non, cấp 1 còn phải “chạy” thì không có lý gì việc thi tuyển công chức lại nằm ngoài cái vòng xoáy ấy. Người ta đã chỉ ra rằng, trong việc tuyển dụng cán bộ hiện nay, có 4 yếu tố quyết định gồm: thứ nhất là “tiền tệ”, thứ hai “quan hệ”, thứ bà “hậu duệ”, còn “trí tuệ” xếp hàng cuối cùng.

Có nghĩa rằng cái yếu tố quan trọng nhất đối với một cán bộ, công chức đó không hề quan trọng đối với những người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tuyển dụng hay bổ nhiệm. Bởi với cái trí tuệ ấy, chỉ Nhà nước, nhân dân là có lợi, chứ với bản thân người lãnh đạo, họ đâu được lợi lộc gì?

Bản thân người lãnh đạo đó, không khéo cũng đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để có được chức vị như ngày nay. Bây giờ tuyển người có “trí tuệ” mà không có “tiền tệ”, biết khi nào họ mới “thu hồi vốn”? Nếu như vậy thì đồng tiền chẳng phải cũng có cái lý của nó hay sao.

Có một thực tế nữa mà nghe qua có vẻ nghịch lý: lương cán bộ, công chức ở ta rất thấp, không đủ sống, nhưng vì sao vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng ra để “chạy”? Phải chăng vì là cán bộ, công chức, nhất là ở những lĩnh vực đặc thù thì dễ nhũng nhiễu để hành dân, bòn rút của dân, ăn cắp của Nhà nước?

Phải chăng khi đã là cán bộ, công chức rồi thì chỉ sau một vài năm, số tiền đã “đầu tư” sẽ dễ dàng thu lại được? Bởi đâu có ai dại đến mức bỏ ra một số tiền số tiền tương đương hàng trăm tháng lương, để rồi mỗi tháng nhận lại một khoản tiền không đủ sống.

Nguồn: baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét