Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Vẫn chưa rõ cơ chế kiểm soát quyền lực

SGTT.VN - Bên lề hội thảo “Góp ý báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” do bộ Tư pháp tổ chức tại Hải Phòng trong hai ngày 10 và 11.12, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thừa nhận: dự thảo mới nhất về sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn chưa làm rõ được cơ chế để “quyền lực được kiểm soát bằng quyền lực”.
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
 




Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận dự thảo Hiến pháp tăng một số quyền cho Chủ tịch nước, song lại chưa quy định rõ cơ chế để Chủ tịch nước thực hiện quyền đó
Mở đầu hội thảo này, ông Liên nói: Để kiểm soát quyền lực thì có ba cách, một là kiểm soát lẫn nhau từ nội bộ, hai là kiểm soát từ nhân dân thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức xã hội, ba là thông qua thiết chế độc lập chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trao đổi thêm với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Liên tiết lộ trong dự thảo mới nhất, cơ chế để kiểm soát quyền lực vẫn chưa rõ. “Như việc có cơ chế bảo hiến, biết là cần thiết, có điều, sửa đổi Hiến pháp vẫn phải trên nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vậy thì việc có cơ quan bảo hiến độc lập – có quyền phán xét quyết định của Quốc hội liệu có ổn không?”, ông Liên băn khoăn. Dù dự thảo mới nhất không được công khai tại hội thảo, song ông Liên cũng thừa nhận, trong dự thảo mới này, tổ soạn thảo vẫn nghiêng về phương án hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, giúp Quốc hội trong vấn đề bảo hiến.
Chuyên gia về Hiến pháp, GS Thái Vĩnh Thắng (đại học Luật Hà Nội) thì cho rằng cơ quan bảo hiến độc lập không hề trái với nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, mà sẽ là “người gác cổng” cho Quốc hội, để Quốc hội không ban hành những luật có nội dung không phù hợp Hiến pháp. GS Thắng lên tiếng kêu gọi giới luật sư góp tiếng nói kiến nghị để Hiến pháp mới có quy định cơ quan bảo hiến độc lập, nếu không “sẽ là điều đáng tiếc”!
TS Phạm Đức Bảo (đại học Luật Hà Nội) cũng dẫn chứng, hiện chưa có cơ chế nào để kiểm soát Quốc hội. “Nói nhân dân kiểm soát Quốc hội nhưng nhân dân chưa có bộ máy hay thiết chế thì kiểm soát thế nào, và vì không có cơ quan nào kiểm soát nên Quốc hội cũng có thể vi hiến mà không ai làm gì được. Cho nên cần cơ quan bảo hiến trước hết là để kiểm soát Quốc hội”, ông Bảo nói. Tuy nhiên, theo ông, trong dự thảo Hiến pháp hiện nay, ngoài việc manh nha cơ chế bảo hiến thì chưa thấy có thêm thiết chế nào để kiểm soát Quốc hội. Ông cho rằng nên trao cho Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Quốc hội xem lại các luật trước khi ban bố, coi đây cũng là yếu tố để giám sát lẫn nhau.
Trước đó, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận dự thảo Hiến pháp tăng một số quyền cho Chủ tịch nước, song lại chưa quy định rõ cơ chế để Chủ tịch nước thực hiện quyền đó. Ông Cường nói: Nếu theo hướng này thì tới đây phải có thêm luật Chủ tịch nước. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc có thêm các chế định độc lập như thanh tra Quốc hội để tăng cường cơ chế kiểm soát. Ông Liên thì nói thêm: Không phải ngẫu nhiên mà trên diễn đàn Quốc hội mới đây, rất nhiều đại biểu đề nghị chuyển kiểm soát chung (trước đây thuộc viện Kiểm sát, sau đó cắt một phần đưa về bộ Tư pháp) để xem đây là thiết chế độc lập nhằm kiểm soát quyền lực.
Hay như trong phân công công việc giữa các cơ quan quyền lực, theo ông Liên, dù đã có tiêu chí nhưng phân công cũng chưa hết. Ông ví dụ: trong phân công giữa Quốc hội và Chính phủ, Quốc hội có quyết định tất cả chính sách không hay vẫn còn chính sách do Chính phủ quyết định. “Hoặc giữa tư pháp và hành pháp, thì dù vẫn nói tư pháp là tòa án, nhưng trong tâm lý cũng như thực tế, hành chính can thiệp vào tư pháp rất nhiều, như trong giải quyết khiếu nại tố cáo và xử phạt hành chính, ở các nước không hề có chuyện cơ quan hành chính được phạt mức cao như ở ta”, ông Liên nói.
GS Thắng thì tỏ ra tiếc nuối bởi theo ông, mô hình Hiến pháp 1992 đã có Viện kiểm sát vừa giám sát chung và thực hiện chức năng công tố, nhưng từ năm 2001 bỏ chức năng này đi rồi mà không có cơ quan thay thế. Ông Thắng nhấn mạnh, nếu thấy trong Hiến pháp chưa có tổ chức nào giám sát thì nên thiết chế Viện giám sát tối cao để giám sát bộ máy hành pháp, trong đó có (giám sát) Chính phủ chứ như vụ Vinashin vừa rồi thì thấy thanh tra không làm được. Thanh tra của Chính phủ là nội bộ của hành pháp, chứ hệ thống giám sát độc lập để chiếu vào hành pháp chưa có, ông nói.
Chí Hiếu

Nguồn: sgtt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét