Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Năm 2013, Tổng Cục đường bộ Việt Nam tạo bước đột phá trong bảo trì đường bộ

Chiều 12/12, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Tổng cục Đường Bộ Việt Nam (TCĐBVN) để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012, kế hoạch năm 2013; Những nội dung cơ bản của Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ, Đề án sửa đổi, bổ sung QĐ 107/2009/QĐ-TTg và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp giữa Ban Cán sự đảng bộ
và Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Sau khi nghe Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Lê Đình Thọ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 của TCĐBVN; Những nội dung cơ bản Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ; Đề án sửa đổi, bổ sung QĐ 107/2009/QĐ-TTg, những kiến nghị, đề xuất trong các thực hiện nhiệm vụ của năm 2013, các thành viên Ban Cán sự đã thẳng thắn góp ý cho lãnh đạo TCĐBVN về các vấn đề như: tổ chức bộ máy, quản lý kết cấu hạ tầng, bảo trì đường bộ, công tác đảm bảo ATGT, công tác xây dựng Đảng...
Năm 2012, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm cho công tác sửa chữa đường bộ chỉ đạt 50% nhu cầu; nhiều công trình phải đình hoãn tiến độ do không có vốn thi công; thiếu nhân lực bám đường, theo dõi quản lý, bảo trì kết cấu giao thông... nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ban, ngành và địa phương, TCĐBVN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng VBQPPL, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển GTVT đường bộ, công tác quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, công tác bảo trì đường bộ.
Năm 2012, thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, TCĐBVN đã tập trung chỉ đạo các khu QLĐB và các Sở GTVT thực hiện tốt công tác quản lý và bảo trì đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm mất ATGT, tăng cường kiểm tra nắm tình hình TNGT và hành lang đường bộ. Cụ thể, TCĐBVN đã cho phép đầu tư xử lý 304/315 điểm đen giao thông; Đưa vào dự án nâng cấp, sửa chữa 86/350 cầu yếu; Rà soát, bổ sung hệ thống biển báo tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ; Điều chỉnh, thay thế, bổ sung biển báo và thiết bị ATGT cho 4 đoạn tuyến mẫu; Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mùa mưa lũ...
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, Bộ GTVT giao TCĐBVN làm chủ đầu tư và quản lý 93 dự án gồm 56 dự án đang thực hiện đầu tư, 37 dự án chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh việc triển khai các dự án, TCĐBVN đã tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng các khâu: từ lập dự án đầu tư, lập hồ sơ thiết kế cho đến thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình. Trong trường hợp công trình gặp sự cố, TCĐBVN cũng nhanh chóng chỉ đạo khắc phục kịp thời những yếu kém về mặt chất lượng, kiểm điểm và quy trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân liên quan.
Cùng với các kết quả trong xây dựng, bảo trì công trình giao thông, năm 2012 các đơn vị vận tải đường bộ đã vận chuyển 2.415 triệu lượt khách (tăng 13,7%) và 83,6 tỷ lượt khách/km (tăng 11,3%); Vận tải hàng hóa đạt 677 triệu tấn (tăng 11,7%) và đạt 35,5 tỷ tấn/km (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước).
Trong công tác quản lý vận tải, TCĐBVN đã trình Bộ phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu TNGT và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải”. Ngoài ra, TCĐBVN còn triển khai “Đề án nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX”, yêu cầu 87 trung tâm sát hạch lái xe lắp thiết bị chấm điểm tự động, phối hợp với Bộ Công an tập huấn kiểm soát GPLX bằng vật liệu PET...
Tuy nhiên, trong năm 2012, TCĐBVN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chậm thanh quyết toán các công trình; Công tác giải quyết sự cố còn rườm rà, phân công nhiệm vụ tại các đơn vị, bộ phận chưa rõ ràng; Sự chỉ đạo từ Tổng cục đến các Khu, Ban QLDA, các Sở GTVT có lúc, có nơi thiếu quyết liệt nên hiệu quả chưa cao; Một số công trình thi công chưa đảm bảo chất lượng...
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao kết quả TCĐBVN đã làm được trong năm 2012. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị TĐBVN tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí tham gia hội nghị, hoàn chỉnh các đề án và triển khai thực hiện trong năm 2013.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tạo bước đột phá trong công tác sửa chữa,
bảo trì đường bộ (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: TCĐBVN đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng các văn bản QPPL, tuy nhiên đầu năm 2012, Bộ đã giao TCĐBVN thực hiện nhiều đề án trong đó có “Đề án đổi mới công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ”, “Đề án nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông” nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Trong khi chúng ta không có kinh phí đâu tư xây mới công trình giao thông thì phải nâng cao hiệu quả khai thác, làm tốt công tác bảo trì bảo dưỡng các công trình giao thông đường bộ.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản, yêu cầu TCĐBVN hoàn thành công tác giải ngân, bước đầu cải thiện tiến độ, chất lượng các dự án. Trên cơ sở báo cáo hoạt động năm 2012, TCĐBVN phải xác định rõ những ưu điểm để phát huy, xác định khuyết điểm tồn tại tìm nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm từ đó mới xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.
Năm 2013, Bộ GTVT xác định TCĐBVN là “xương sống” của ngành GTVT, mọi chỉ đạo, mọi đầu tư của ngành đều tập trung chủ yếu cho đường bộ. Vì vậy, TCĐBVN phải rà soạt lại chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, từ đó điều chỉnh lại quy hoạch phát triển lĩnh vực đường bộ. Trước mắt, trong 2013 tập trung hoàn thành điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông đường bộ, hoàn chỉnh và trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường bộ phù hợp với chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2020, phù hợp với chiến lược phát triển GTVT đã điều chỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đã điều chỉnh, đặc biệt phải phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XI.
Về hệ thống xây dựng VBQPPL, TCĐBVN phải cùng với Vụ Pháp chế rà soát lại và coi đây là nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị. Tập trung vào chất lượng xây dựng VBQPPL, chất lượng triển khai và đặc biệt là công tác tiếp thu ý kiến của các đơn vị.
Tập trung đổi mới toàn bộ công tác quản lý, tổ chức và xây dựng lại trên cơ sở nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của TCĐBVN. Tổ chức lại theo hướng tinh giảm các phòng ban chuyên môn. Bộ máy mới bao gồm: Tổng cục, Cục, Vụ rồi đến các chuyên viên. Quá trình tổ chức cán bộ phải xây dựng, mô tả chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng vị trí. Xem xét điều chuyển các Ban qản lý dự án của Tổng cục về Bộ nhằm mục đích để TCĐBVN tập trung vào nhiệm vụ quản lý bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, do TNGT xảy ra chủ yếu ở đường bộ nên TCĐBVN xem xét thành lập Vụ ATGT.
Tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quỹ Bảo trì đường bộ, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí có được vào bảo trì đường bộ. Đặt mục tiêu cụ thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là cuộc cách mạng mang tính chất đột phá của TCĐBVN. Bắt đầu từ năm 2013, TCĐBVN phải tập trung nhân lực, vật lực vào sửa chữa những tuyến đường huyết mạch, những đoạn xung yếu, những điểm gây bức xúc trong dân... Cố gắng trong 3-4 năm tới, công tác bảo trì sẽ làm thay đổi bộ mặt các tuyến giao thông đường bộ. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đơn vị tham gia đấu thầu bảo trì, sửa chữa đường. Không để các nhà thầu không đủ năng lực tham gia.
Về đầu tư xây dựng công trình giao thông, đề nghị TCĐBVN tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT đê giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đề nghị TCĐBVN tăng cường áp dụng các thành tựu KHCN vào xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Văn Thanh

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét