Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thành tựu của nhiều thế hệ

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người gắn bó suốt quá trình khai thác Tứ giác Long Xuyên - (TGLX - 1988-1999) trên nhiều cương vị lãnh đạo - đã khẳng định:
Ông Nguyễn Minh Nhị, GS- VS Nguyễn Văn Hiệu (trái qua) tại Hội thảo “20 năm khai thác, phát triển KT-XH vùng TGLX” do An Giang tổ chức vào ngày 22.11.2012.

Việc Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2012 trao giải thưởng khoa học tự nhiên Việt Nam cho cố GS Nguyễn Sinh Huy và PGS-TS Hồ Chín cho công trình “Thoát lũ ra biển Tây” (CT TLBT) là đúng, nhưng chưa đủ. Xin giới thiệu toàn văn bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị về vấn đề này.

CT TLBT là một phần trong kế hoạch thủy lợi toàn vùng TGLX được khởi động từ năm 1988. Những ngày đầu, thủy lợi vùng TGLX được quy hoạch với hệ thống kênh cấp II, B đáy 8 mét, gồm các kênh T6, T5, T4, T3... Tuy nhiên do không có vốn và do sự e ngại: Các kinh nối vào kinh Vĩnh Tế thì sẽ bị mất nước ngọt và mặn sẽ xâm nhập nên chưa kịp triển khai. Mãi đến năm 1991, khi công tác khai hoang theo kiểu “cuốn chiếu” từ phía tây sông Hậu vào cuối phần đất An Giang giáp ranh với Kiên Giang thì đụng vào “túi phèn” giữa TGLX, lúc này Bộ Thủy lợi mới tiến hành nạo vét kinh Tám Ngàn, đào các kênh phía nam Tám Ngàn và năm 1996 đào xong kênh T6 (bắc Tám Ngàn)... Trong thời gian này An Giang cũng tự lực đào mới các kênh trong vùng, nhưng sản xuất nhiều năm liền mất trắng do không thoát được phèn ra biển Tây. Bởi một mình kênh Tám Ngàn và kênh T6 (nối vàm vào kinh Mới) không thông tuyến nên không rửa phèn hiệu quả. Những năm này ngập lụt diễn ra cũng rất phức tạp... Trước tình hình đó nhiều cán bộ Bộ Thủy lợi, kể cả Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh, Nguyễn Công Tạn..., nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần về tận nơi khảo sát tìm hướng giải quyết.

Mùa khô năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đích thân đi khảo sát toàn vùng, cùng đi có GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, PGS-TS Hồ Chín, GS-TS Nguyễn Sinh Huy, TS Tô Văn Trường và đồng chí Nguyễn Văn Thượng..., cùng địa phương tìm cách thoát lũ, rước ngọt, rửa “cái rốn phèn” của hai tỉnh. Ngày 25.7.1996, tại đầu kênh T5 (Vĩnh Gia - Tri Tôn), nay là Công viên Võ Văn Kiệt, Thủ tướng quyết định phóng tuyến kinh T5 - Tuần Thống. Ngày 22.4.1997 khởi công và ngày 30.8.1997 hoàn thành. Kinh T5 với tổng chiều dài 36.700 mét, mặt rộng từ 30 - 36 mét, đáy 20 mét, sâu 3 mét, tổng khối lượng đào 5.608.000m3, đất đắp nền đường giao thông và tuyến dân cư 710.335m3. Tổng kinh phí gần 98 tỉ đồng.

Hệ thống công trình thoát lũ, trục chính là kinh Võ Văn Kiệt hiện nay, từ quy hoạch hệ thống thủy lợi kinh cấp II và từ ý tưởng của địa phương về hướng thoát lũ - rước ngọt cho TGLX được các nhà khoa học nâng lên thành hệ thống thoát lũ thẳng ra biển Tây, rước nước bạc - phù sa đầu mùa (khoảng tháng 7-8-9 dương lịch, tức sau 5.5 âm lịch hằng năm) qua các kinh trục dọc quốc lộ 91 (Châu Đốc - Long Xuyên) vào sâu toàn vùng TGLX; thay vì theo thông lệ, thời điểm đó nước lũ (không mang phù sa) từ Campuchia qua 7 cấu đoạn Châu Đốc - Nhà Bàn vào nội đồng Tứ Giác khoảng 2.400m3/giây, nước lũ lên nhanh, làm dội nước bạc tại các đầu vàm kinh trục (Kinh Đào, Vịnh Tre, Cây Dương...), không cho phù sa qua các kinh trục vào sâu vùng tứ giác quá 5km. Bí quyết để xử cái “rốn phèn” TGLX là chỗ này. Còn việc thoát lũ để hạn chế ngập lúa hè thu tháng 8 là có yêu cầu nhưng không phải là chủ yếu.

Từ yêu cầu bức thiết thành bí quyết, các nhà khoa học đã định ra một hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng TGLX. Ngoài hệ thống các kinh trục thoát lũ (T6,T5,T4...), còn nạo vét, mở rộng kinh Vĩnh Tế, lấy đất đắp đê bờ nam; bịt 7 cầu và xây hai đập caosu đầu vàm kinh Tha La, Trà Sư để điều tiết lũ; mở cầu cạn Xuân Tô trên quốc lộ 91 giáp quốc lộ 2 Campuchia (Lộ Đứt); đào nối dài kinh T6 (qua Núi Nước, cầu sắt Vĩnh Thông - huyện Tri Tôn) mở vàm nối vào Vĩnh Tế, làm tăng khả năng thoát lũ của T6 lên rõ rệt (chỉ kém T5) và cả kinh Vĩnh Tế. Ở phía Kiên Giang, các cống ngăn mặn, nâng cấp quốc lộ 80 và xây mới các cầu trên quốc lộ 80 cũng đồng thời tiến hành. Việc nối dài T6 và mở cầu cạn Xuân Tô do địa phương và các anh Hiệu, anh Huy, Hồ Chín, Sáu Thượng và anh Tạn trực tiếp khảo sát và đề xuất Thủ tướng quyết định (bổ sung). Hệ thống công trình điều tiết lũ, rước ngọt phù sa, thoát lũ - rửa phèn, ngăn mặn, bố trí lại lao động, bố trí lại dân cư, lập thêm hai xã mới ở An Giang và huyện mới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang... trong vùng TGLX tương đối hoàn chỉnh như hôm nay.

Là người trong cuộc, vả lại đã nghỉ hưu 7 năm rồi, tôi không muốn mất thời giờ để tranh luận xem ai “đạo” ý tưởng của ai. Nhưng như đã trình bày, CT TLBT là thành tựu mà nhiều thế hệ đã đổ mồ hôi và nước mắt mới có được. Bởi lúc đầu bàn thảo, quyết định và cả lúc thi công cho đến những năm 2000, không ít người, kể cả nhà khoa học, cán bộ quản lý ngành và địa phương có ý kiến khác, thậm chí rất gay gắt, giận dỗi, thách thức... Nhưng phải nói nhờ cái tâm, cái tầm và bản lĩnh Võ Văn Kiệt mới có công trình này! Kế đến là những nhà khoa học và quản lý, kể cả cấp địa phương mà cũng là những “chiến hữu” thủy chung của ông; những cán bộ và nhân dân trong vùng nỗ lực thực hiện hết lòng, vô cùng sáng tạo và hiệu quả những suy nghĩ và chỉ thị của ông; những nhà khoa học mà ông tin cẩn là Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chín, Nguyễn Sinh Huy và các nhà khoa học khác trong nhóm công tác, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Thượng là đặc phái viên của Thủ tướng trong công trình này. Riêng TS Tô Văn Trường là người giúp trả lời tôi những câu hỏi về mức độ nước sẽ dềnh lên khi các công trình ngăn lũ vận hành (đóng lại), giúp tôi yên tâm quyết định SX lúa vụ 3 trong “Đề án 31- tổ chức sản xuất và đời sống trong mùa nước nổi” - năm 2002. Vì vậy theo tôi, việc ai đó tố cố GS Nguyễn Sinh Huy và PGS-TS Hồ Chín là vội vàng. Bởi QĐ 99 ra ngày 9.2.1996. Còn ý tưởng của người “tố cáo” ra ngày 2.7.1996, cách nhau 5 tháng, tự nó nói lên hết rồi. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây, theo dõi, cung cấp tư liệu, tham gia quyết định cùng các chuyên gia đề xuất các việc phải làm, và cũng là người trực tiếp đưa các anh Nguyễn Công Tạn, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chín, Nguyễn Sinh Huy đi thực địa... nên thấy rằng việc Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2012 trao giải thưởng khoa học tự nhiên Việt Nam cho 2 nhà khoa học đầu ngành với công trình “Thoát lũ ra biển Tây” (CT TLBT) là đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Bởi bên cạnh những nhà “kỹ thuật” còn có nhà chỉ huy công trình, nhà quản lý và những ai đã từng có ý tưởng... Anh em, ai có tham gia ít nhiều, nếu muốn khen chắc cũng được. Nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn hết là bằng khen của lòng người
Nguyễn Minh Nhị - nguyên GĐ Sở Nông nghiệp An Giang (1988 - 1990), Phó Chủ tịch UBND tỉnh (1990 - 1999), Chủ tịch HĐND-UBND (1999 - 2004). Nguyên Phó ban rồi Trưởng ban chỉ đạo Tứ Giác Long Xuyên tỉnh An Giang từ 1988 - 1999 - Kết thúc nhiệm vụ của chương trình.


Nguồn: laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét