Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Chiều nay, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Hà Nội

4 giờ chiều nay, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XV, Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của Thành phố, trong đó có Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố.



Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên trong cả nước đã chủ động, nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 27/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm năm 2012 đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý Thành phố. Tại kỳ họp này, Thành ủy sẽ triển khai tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân các đồng chí là Ủy viên Thường vụ Thành ủy và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành phố.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hôm nay đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố thể hiên tinh thần nghiêm túc, nhất quán của Hà Nội trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời thể hiện quyết tâm cao và thực hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ Thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, đó là: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương và đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4” - Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nói.
Ông Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh, đây là việc làm mới, khó nhưng nếu tập trung chỉ đạo tốt, sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng.
Trước nay, chúng ta đã và đang thực hiện đánh giá cán bộ, đảng viên nhưng đó là đánh giá theo định kỳ, hằng năm với yêu cầu, tiêu chí, nội dung, cách làm và thời gian đánh giá không hoàn toàn giống lần này. Việc đánh giá theo cách này có điểm tích cực cơ bản là ổn định, tuy vậy, cũng còn điểm hạn chế. Có tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn, không sát với từng người, chỉ có tiêu chí chung cho các đối tượng là toàn thể cán bộ, đảng viên, không có tiêu chí riêng đối với cán bộ, đảng viên thường hay cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do đó việc đánh giácó tính hình thức, chất lượng đánh giá cán bộ, đảng viên chưa phản ánh đúng với thực chất”.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị


Các lãnh đạo chủ chốt được thí điểm lấy phiếu tín nhiệm trước

Bí thư Thành ủy cho biết, lần này, việc đánh giá sẽ có trọng tâm hơn, đối tượng được nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào các chức danh cán bộ chủ chốt là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị của thành phố và một số sở, ngành.
Cụ thể, chiều nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Tiêu chí để đánh giá, nhận xét cán bộ lần này tập trung vào hai tiêu chí cơ bản nhất, có tác dụng tác động lẫn nhau, hình thành nên uy tín của người cán bộ. Đó là Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ. Thông qua bỏ phiếu kín, phương thức đánh giá cán bộ sẽ bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, tránh được tình trạng nể nang, xuôi chiều; đồng thời, không sợ bị trù úm, định kiến nên việc đánh giá sẽ khách quan, thực chất hơn” - ông Phạm Quang Nghị nêu rõ.
Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với mỗi chức danh cán bộ, trên mẫu phiếu lấy ý kiến sẽ có 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Qua đó người tham gia đánh giá biểu thị thái độ của mình. Sau khi lấy phiếu, kết quả đánh giá sẽ được công bố công khai tới những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo cấp trên theo quy định.
Kết quả đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm cùng với những nguồn thông tin sẽ là kênh thông tin quan trọng khác để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác. Đồng thời việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác dụng góp phần khắc phục được hạn chế, khuyết điểm và tiêu cực để thực hiện tốt khâu khó nhất trong công tác cán bộ là "đánh giá cán bộ", cụ thể hóa yêu cầu phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của tập thể và cá nhân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị.
Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm vừa là thử thách vừa là cơ hội giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý hiểu hơn uy tín của bản thân đối với công việc, tập thể mình phụ trách. Kết quả ấy là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những người hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; mặt khác là sự nhắc nhở kịp thời đối với những người có yếu kém về năng lực, phẩm chất, để có các biện pháp điều chỉnh, khắc phục, vươn lên” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định.

Chiều nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố


Sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo 7 sở
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm, và đây là việc làm có tính chất thí điểm. “Thông qua kết quả thực hiện lần này, Thành phố sẽ đánh giá phân tích, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện, phân tích, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục trước khi nhân rộng và thực hiện thường xuyên hằng năm trong toàn Thành phố” - ông Phạm Quang Nghị cho biết.
Sau khi tiến hành làm thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành phố để rút kinh nghiệm chung, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với giám đốc, phó giám đốc của 7 Sở: Nội vụ, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố.
Đối với các chức danh HĐND Thành phố, sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khi Nghị quyết có hiệu lực. Như vậy, nhiều cán bộ sẽ được đánh giá hai lần hoặc hơn.
Để làm tốt việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm lần này, mỗi người tham gia đánh giá cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; hết sức khách quan, công tâm, xây dựng thể hiện trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Tránh tình trạng lợi dụng việc đánh giá để lồng động cơ cá nhân không đúng đắn, vận động người khác nhận xét tốt cho mình hoặc nhận xét không tốt cho cán bộ khác. Để đảm bảo yêu cầu khách quan của việc đánh giá, nếu phát hiện trường hợp vi phạm như vậy, Thành ủy sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Từ yêu cầu và tính chất đặc biệt quan trọng như vậy của đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này, với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đồng chí Thành ủy viên hãy sử dụng một cách đúng đắn quyền dân chủ của mình thông qua việc nhận xét, đánh giá cán bộ, để việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự đem lại kết quả tích cực, làm căn cứ cho việc triển khai rộng rãi trong toàn Đảng bộ Thành phố.

 


Tuệ Khanh


Nguồn: www6.vnmedia.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét