Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc ở Giao Thủy

Đường giao thông nông thôn ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy được nâng cấp từ đóng góp của nhân dân.

 

Từ năm 2002 về trước, huyện Giao Thủy được nhắc đến là điểm "nóng" về an ninh nông thôn (ANNT). Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở không giải quyết kịp thời, dứt điểm những vụ việc nảy sinh trên địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài. Khi ấy, Chính phủ đã phải cử một đồng chí Phó Thủ tướng về trực tiếp đối thoại với nhân dân trong bốn ngày liền, để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, cùng địa phương từng bước giải quyết các vụ việc thấu lý đạt tình, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ bài học kinh nghiệm này, khi triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Giao Thủy chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc từ cơ sở; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không để phát sinh phức tạp.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Nghinh cho biết, trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, Huyện ủy yêu cầu các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại tất cả đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân để tập trung xử lý. Việc giải tỏa chín ki-ốt của các hộ dân ở thị trấn Ngô Đồng để lấy mặt bằng xây dựng khu Trung tâm văn hóa huyện được xác định là "khâu đột phá" cho quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Vụ việc tuy không lớn, nhưng kéo dài nhiều năm, có dư luận cho rằng cán bộ "tư túi" cho nên không dám làm mạnh. Qua kiểm tra, rà soát các văn bản, hồ sơ thuê đất làm ki-ốt của các hộ dân cho thấy việc ký kết hợp đồng trước đây có những điểm, những nội dung chưa hợp lý, không chặt chẽ. Một số người dựa vào đó chây ì chưa muốn dỡ bỏ ki-ốt trả lại mặt bằng. Phương án cưỡng chế đã phải tính đến. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động thuyết phục, giúp các chủ ki-ốt hiểu được vấn đề, tự giác tháo dỡ ki-ốt. Sau khi có mặt bằng, huyện Giao Thủy khẩn trương xây dựng Trung tâm văn hóa huyện khang trang, bề thế kịp thời đưa vào hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Ở một số xã có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, buông lỏng quản lý đất đai đều được Ban Thường vụ Huyện ủy ra văn bản gợi ý kiểm điểm. Theo đó, các đơn vị này đã kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, rút ra nhiều bài học sâu sắc, xây dựng kế hoạch khắc phục. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm của các đơn vị, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định khiển trách đối với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Thiện; cảnh cáo Chủ tịch UBND xã; khiển trách Bí thư Đảng ủy và cán bộ địa chính của xã này, vì buông lỏng quản lý đất đai. Bí thư Đảng ủy xã Giao Thiện Trần Thanh Minh cho biết, nhìn chung cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đều cho rằng việc xử lý kỷ luật như vậy là đúng, thấu tình đạt lý. Trong kế hoạch sửa chữa, khắc phục sau kiểm điểm, Đảng bộ xã Giao Thiện xây dựng lại quy chế làm việc, xác định trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường mối đoàn kết thống nhất giữa Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã; cải tiến tác phong, lề lối làm việc theo hướng dành nhiều thời gian đi cơ sở, gần dân, sát dân hơn. Đảng ủy cũng đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế; tuyển quân năm 2013. Những chủ trương đúng, trúng của Đảng ủy xã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Năm 2012, Giao Thiện có bước chuyển biến rõ rệt, thu ngân sách đạt hơn bốn tỷ đồng, vượt gần 100% kế hoạch; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân năm 2013.

Những việc làm cấp bách về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) của Ban Thường vụ Huyện ủy Giao Thủy đã đem lại niềm tin cho nhân dân, tạo thêm động lực mới để Giao Thủy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2012, Giao Thủy là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Nam Định hoàn thành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) bảo đảm đúng mục tiêu đề ra: giảm số thửa ruộng canh tác/hộ xã viên; nâng cấp đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; quy vùng sản xuất tập trung; giữ vững ổn định chính trị và ANNT trên địa bàn. Nông dân các xã tự nguyện góp đất với mức bình quân 21m2 đất/sào ruộng canh tác và từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/sào ruộng canh tác để làm đường giao thông, củng cố kênh mương và hệ thống đường ra đồng. Để hoàn thành việc DĐĐT, Giao Thủy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó vai trò và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở có tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của người dân. Các chi bộ xóm, đội sản xuất phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ xã viên thực hiện DĐĐT. Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên ở các xã đều nhận phần ruộng xấu về mình, nhường ruộng tốt cho xã viên, không phải tổ chức bốc thăm, không để xảy ra khiếu kiện, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Niềm tin được củng cố, nhiều hộ dân tự nguyện ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như gia đình ông Trịnh Văn Đoán, giáo dân ở xã Giao Thiện ủng hộ gần một tỷ đồng; ông Phan Văn Cảnh, cũng ở Giao Thiện ủng hộ hơn 200 triệu đồng...

Kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng ở Giao Thủy đã tạo sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ cơ sở từ nhận thức đến hành động và tác phong, lề lối làm việc. Mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền với dân ngày càng thêm bền chặt. Qua đó đã huy động được mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Các bài liên quan:

thu mua nhom phe lieu

Tin thời sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét