Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đác Nông, Kon Tum thiếu nước tưới trầm trọng, gây thiệt hại nặng

* Khu vực Trung Bộ cần đề phòng lốc xoáy và mưa đá * Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư cho biết: Do khí lạnh và khí nóng đan xen, nên khu vực Trung Bộ cần đề phòng lốc xoáy và mưa đá. Đối với các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội dù không có nắng nóng nhưng nền nhiệt tăng lên mức 29 - 32oC. Các tỉnh Nam Bộ vẫn duy trì nắng nóng diện rộng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, nhiệt độ phổ biến 33 - 35oC, có nơi 36oC.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đác Nông cho biết: Từ đầu mùa khô năm 2013 đến nay, hạn hán đã gây thiệt hại 1.224 ha lúa nước, 9.293 ha cà-phê, 145 ha màu và một số diện tích cây trồng khác bị thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó đã có 14 ha lúa nước bị mất trắng, hàng nghìn ha cà-phê ở các huyện: Đác Song, Đác Mil, Cư Giút và Krông Nô thiếu nước tưới nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nông dân trong tỉnh hơn 500 tỷ đồng. Nếu tình trạng nắng nóng gay gắt như hiện nay kéo dài khoảng một tháng nữa sẽ có khả năng làm cho 1.500 ha lúa nước, 40 nghìn ha cà-phê và nhiều diện tích các cây trồng khác bị hạn nặng. Theo ước tính, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Kon Tum do tình trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng là 75 tỷ đồng. Tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi ngày một nghiêm trọng. Thậm chí một số công trình hồ chứa bị trơ đáy như: hồ tưới Cà Sâm thuộc xã Đác La (huyện Đác Hà) hồ Tân Điền và hồ đập Cà Tiên. Ngoài ra, đã có bảy công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hạn và năm công trình đang có nguy cơ bị hạn và hơn 1.000 giếng đào ở huyện Sa Thầy, Đác Hà và TP Kon Tum thiếu nước trầm trọng.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Nam Định: Đến nay đã có 118/229 xã thuộc chín huyện triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, trong đó đàn lợn tiêm được hơn 81.700 con, đàn trâu bò hơn 1.600 con. Chi cục phối hợp Trạm thú y các huyện tăng cường vận động người chăn nuôi tham gia cùng lực lượng thú y cơ sở triển khai các đợt tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tính đến thời điểm này đã có 200 con lợn của 20 hộ dân tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút tai xanh. Hiện trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò xảy ra ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, vẫn chưa được khống chế một cách dứt điểm. Trước tình hình dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, buộc các hộ dân cam kết nuôi nhốt tại chỗ, không được buôn bán, giết mổ; tổ chức tiêm phòng 2.300 liều vắc-xin cho vùng có dịch, huy động hơn 10 tấn vôi bột và sử dụng 300 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng cho chuồng trại chăn nuôi. Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, do người dân đổ xô nuôi vịt để đón đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân, nên nguy cơ tiềm ẩn đối với dịch cúm gia cầm H5N1 rất cao. Vì vậy, Chi cục đã chỉ đạo Trạm thú y của bảy huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng đồng loạt, chủ yếu là các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng... cho hơn 337 nghìn con gia súc và tiêm vắc-xin cúm A (H5N1) cho gần 1,4 triệu con gia cầm, tiến hành mua 15 nghìn liều vắc-xin để tiêm phòng bệnh lợn tai xanh.

Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai vừa có đợt kiểm tra tình hình phòng trừ sâu bệnh tại một số huyện: Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Yên phát hiện hầu hết diện tích lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn đều có liên quan đến giống BC15 không nằm trong cơ cấu giống của ngành trồng trọt trong vụ xuân 2013. Do thiếu thông tin, nên một số hộ nông dân các huyện trên đem về trồng đã phát sinh ngay bệnh. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp các địa phương chỉ đạo nông dân cấy thay thế bằng giống khác và tổ chức xử lý đất, phun thuốc phòng tránh bệnh lây lan ra diện rộng.

Các bài liên quan:

thu mua nhom phe lieu

Tin thời sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét